Kết nối với chúng tôi

Hoạt Động KCN

Đồng Nai tìm cách tiếp cận mới trong phát triển khu công nghiệp

Được phát hành

,

Thiếu đất công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Do đó, Đồng Nai đang nỗ lực để sớm có quỹ đất sẵn sàng cho doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho việc thành lập các khu công nghiệp (KCN); đưa nhiệm vụ phát triển KCN vào nghị quyết của cấp ủy… là những giải pháp mà Đồng Nai sẽ đẩy mạnh thực hiện.

* Thiếu quỹ đất sẽ lỡ thu hút đầu tư

Đồng Nai hiện có 32 khu KCN, trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 khu trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Các KCN Đồng Nai đã cho thuê được 6 ngàn ha, đạt hơn 85% diện tích đất cho thuê. Hiện quỹ đất sạch có thể cho thuê không còn nhiều nên ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề vào đầu tư trong các KCN. Để tạo quỹ đất mới thu hút nhà đầu tư, Đồng Nai đang trong quá trình thành lập thêm 8 KCN mới, song tiến độ rất chậm do vướng nhiều thủ tục từ các bộ, ngành, nhất là thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…

Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã và đang mở rộng diện tích. Trong ảnh: Khu công nghiệp Long Khánh sẽ tiếp tục được mở rộng diện tích về phía H.Thống Nhất. Ảnh: DN hạ tầng cung cấp

Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, số lượng dự án thu hút mới cao hơn nhưng tổng vốn thu hút mới thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Do vậy, vốn đầu tư bình quân cho dự án mới cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022, nếu quý I-2022 là hơn 12,6 triệu USD/dự án thì đến quý I-2023 là 4,5 triệu USD/dự án. Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, các KCN không còn quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho các nhà đầu tư và hiện tại tỉnh chỉ có thể kêu gọi được các dự án quy mô nhỏ.

Cũng theo ông Cường, hiện có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đầu tư lớn mong muốn đầu tư vào tỉnh và đã khảo sát, lựa chọn khu vực đầu tư, vấn đề là so với quy mô diện tích đất cần thuê mới chỉ đáp ứng được 70%, còn lại chờ bồi thường, giải tỏa. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư của địa phương trong năm nay.

Về việc phát triển quỹ đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị phải triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Từ khi phát triển công nghiệp, sau 30 năm, Đồng Nai có hơn 10 ngàn ha đất tại các KCN hiện hữu, đồng thời có thêm 8 ngàn ha đất tại các KCN sẽ được thành lập mới. Vấn đề là việc triển khai thu hồi đất, xây dựng hạ tầng KCN cần lựa chọn những khu vực thuận lợi để thực hiện trước, tránh tình trạng làm dàn trải, không tập trung khiến cho việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, không phục vụ được nhu cầu của các nhà đầu tư.

* Đưa nhiệm vụ phát triển khu công nghiệp vào nghị quyết

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tỉnh đã có kế hoạch chung nhưng đối với các sở, ngành, địa phương dựa vào nhiệm vụ của mình cũng phải chủ động thực hiện. Đồng thời, phải bám sát các nhà đầu tư và hỗ trợ họ khi khảo sát, tìm hiểu để xây dựng hạ tầng; thúc đẩy giải phóng mặt bằng còn lại tại những KCN hiện hữu. Đối với việc phát triển KCN mới, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực có thể triển khai sớm, thậm chí đề xuất loại bỏ các KCN ra khỏi quy hoạch khi không còn phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề này, tại cuộc họp của Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương vào ngày 16-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ, trước mắt là xử lý ngay những vướng mắc về mặt bằng tại các KCN hiện hữu, đối với KCN mới thì nỗ lực thúc đẩy hoàn thành hồ sơ, thủ tục. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy trực thuộc phải xây dựng, bàn hành nghị quyết riêng về nhiệm vụ phát triển KCN của địa phương, đồng thời coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá công tác hàng năm.

Trong thu hút đầu tư, Đồng Nai xác định sẽ không còn dư địa cho những dự án kiểu cũ. Với lợi thế của mình, tỉnh sẽ ưu tiên những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị sản phẩm lớn nhưng ít tiêu tốn mặt bằng, năng lượng, nhân công, đồng thời có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình thành lập, đầu tư hạ tầng KCN thì vấn đề tiên quyết trong quy hoạch phát triển KCN là tính chất bền vững, quy hoạch phải đi trước. Đơn cử như vấn đề nhà ở, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, quy hoạch phát triển KCN phải gắn liền tạo quỹ đất cho các công trình, thiết chế xã hội, nhà ở cho người lao động…

Theo Văn Gia
Báo Đồng Nai

Hoạt Động KCN

Phê duyệt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN 1.256 tỷ đồng tại Bắc Giang

Được phát hành

,

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Hightech.

Quy mô diện tích của dự án là 105,5ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Châu Minh, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm (Ảnh: Chinhphu.vn).

Vốn đầu tư của dự án 1.256,1 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 190,3 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không quá 18 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

UBND tỉnh Bắc Giang được giao tổ chức lập, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm và các quy hoạch phân khu có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đơn vị giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ít sử dụng lao động và tài nguyên; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa khu công nghiệp với khu vực xung quanh, xây dựng các phương án quan trắc để giám sát hoạt động xả thải tại khu công nghiệp.

Đọc Tiếp Tục

Hoạt Động KCN

7 khu công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu “lọt tầm ngắm” của một doanh nghiệp địa ốc

Được phát hành

,

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn DK (thành viên của TTVN Group) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin mới nhất, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) đã được thành lập từ năm 2012, hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực cốt lõi là năng lượng và bất động sản.

Trong quá trình đề xuất đầu tư cho dự án khu công nghiệp trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, TTVN Group đã thể hiện sự quan tâm và tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin liên quan đến 7 dự án trong danh sách các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024 – 2030 của tỉnh, bao gồm: KCN Phú Mỹ; KCN Bắc Châu Đức 1; KCN Bắc Châu Đức 2; KCN Bắc Châu Đức 3; KCN Bắc Châu Đức 4; KCN Bắc Châu Đức 5; KCN Nam Châu Đức.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất hoan nghênh sự quan tâm và lựa chọn của TTVN Group đối với tỉnh, và mong muốn hợp tác cùng nhau trong các dự án đầu tư tại địa phương.

Đồng thời, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn Công ty Cổ phần Tập đoàn DK tiếp cận thông tin về 7 dự án trong danh sách dự án dự kiến kêu gọi đầu tư của tỉnh. Họ cũng thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Theo Quy hoạch phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu của tỉnh là phát triển toàn diện, trở thành một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Trong lĩnh vực bất động sản, TTVN Group giới thiệu 14 dự án đầu tư, bao gồm Khu đô thị mới Xuân An tại Hà Tĩnh và Khu nhà ở nông thôn kết hợp thương mại dịch vụ Nghĩa An tại Quảng Ngãi, đã hoàn thành giai đoạn 1. Ngoài ra, TTVN Group còn triển khai các dự án khác như Khu du lịch Bắc Kạn, Khu nhà ở Trường Thành tại Hưng Yên, Khu đô thị Tam Lạc và Khu đô thị kết hợp Trung tâm thương mại tại Thái Bình…

Đọc Tiếp Tục

Hoạt Động KCN

Becamex IDC lãi quý 1/2024 tăng 60%, đồng thời có hơn 600 hecta đất sẵn sàng cho thuê.

Được phát hành

,

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã cổ phiếu BCM) đã thông báo rằng lãi ròng của họ trong quý 1/2024 đã tăng đến 60% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là Becamex IDC vẫn có hơn 600 hecta đất sẵn sàng cho thuê.

Becamex IDC hiện là nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Dương.

Becamex IDC hiện là nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 mới được công bố, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần đạt 812 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản đã đóng góp tới 450 tỷ đồng vào tổng doanh thu.

Giá vốn hàng bán của nhà phát triển khu công nghiệp này giảm mạnh 38%, giúp biên lãi gộp của Becamex IDC trong quý 1/2024 đạt tới 71%, so với mức 51% của cùng kỳ năm 2023.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Becamex IDC báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, dòng tiền kinh doanh của công ty này cũng được cải thiện mạnh mẽ, đạt mức dương 876 tỷ đồng trong quý 1/2024, so với mức âm 1.238 tỷ đồng của quý 1/2023.

Danh sách các khu công nghiệp hiện do Becamex IDC trực tiếp quản lý, vận hành. (Nguồn: Becamex IDC)

Danh sách các khu công nghiệp hiện do Becamex IDC trực tiếp quản lý, vận hành. (Nguồn: Becamex IDC)

Theo báo cáo thường niên năm 2023, Becamex IDC đang trực tiếp quản lý 06 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.577 hecta. Do đó, Becamex IDC là doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và chiếm khoảng 3,6% thị phần trên toàn quốc.

Ngoài ra, Becamex IDC cũng tham gia liên doanh với một doanh nghiệp Singapore để thành lập Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP, với Becamex IDC sở hữu 49% vốn). VSIP là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm 12 dự án trên toàn quốc với tổng diện tích hơn 10.000 hecta.

Đối với các dự án khu công nghiệp mà Becamex IDC trực tiếp quản lý, tỷ lệ lấp đầy trung bình đã đạt trên 80%. Trong đó, Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 có tỷ lệ lấp đầy lên đến 96%. Ước tính sơ bộ cho thấy Becamex IDC hiện còn khoảng 628 hecta đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BCM của Becamex IDC từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BCM của Becamex IDC từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Becamex IDC đã công bố rằng, để tạo ra quỹ đất khu công nghiệp cho thuê trong giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty đang tập trung đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Cây Trường, tỉnh Bình Dương. Dự án này có diện tích quy hoạch lên đến 700 hecta, với vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, đã được chính phủ chấp thuận làm dự án chiến lược.

Trong thời gian từ năm 2024 đến 2025, bên cạnh việc cho thuê các diện tích còn lại, Tổng công ty sẽ tập trung thu hút các tập đoàn lớn vào Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (với diện tích kinh doanh còn lại gần 400 hecta), nằm sát bên Khu công nghiệp Bàu Bàng hiện hữu, có kết nối giao thông thuận lợi.

Với nhu cầu thuê đất khu công nghiệp hàng năm từ 100 hecta, quỹ đất còn lại tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng đủ để khai thác kinh doanh đến hết năm 2024, theo thông tin từ Becamex IDC.

Đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Becamex IDC đã đạt 54.069 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với mức 20.348 tỷ đồng, tiếp theo là đầu tư tài chính dài hạn với khoảng 18.265 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Becamex IDC đạt khoảng 34.543 tỷ đồng đến ngày 31/3/2024, tăng gần 2% so với đầu năm. Trong số này, nợ vay chiếm hơn 60% tổng dư nợ, đạt 21.000 tỷ đồng.

Đọc Tiếp Tục

Xu hướng